Bánh phu thê là đặc sản của vùng quê Đình Bảng và là một nét đặc sắc của nến văn hóa Kinh Bắc.
Bánh phu thê Đình Bảng
Từ ngày xưa, bánh phu thê đã được xem là loại bánh sang trọng và chỉ được dùng trong những dịp lễ Tết, những dịp cưới hỏi hoặc được dùng để làm quà biếu. Bánh phu thê thường không tỏa hương thơm như các loại bánh thông thường. Chỉ khi bạn bóc hết lớp ngoài thì mới thấy được dưới lớp vỏ bánh vàng trong suốt kia là cả một sự kì công để làm nên một chiếc bánh phu thê.
Chiếc bánh phu thê tuy nhìn đơn giản nhưng lại vô cùng công phu (Nguồn odacsan)
Đối với bánh phu thê, phần nhân bánh phải được làm từ loại đậu xanh vỏ đỏ lòng, đem đi đãi sạch, hấp chính và đánh tơi, cho thêm đường trắng, cùi dừa, hạt sen và các hương liệu ngũ vị. Còn bột bánh phải làm từ gạo nếp, đem xay bằng cối nước sau đó lọc lấy chất tinh, ép cho thật ráo nước rồi phơi khô. Khi nhào bánh phải dùng nước quả dành dành cho vào phần bột để có được màu sắc tự nhiên chứ tuyệt đối không dùng phẩm màu.
Thêm vào đó, muốn cho món bánh phu thê có độ giòn thì dùng đu đủ xanh ngâm phèn đem đi cắt nhỏ nhào với bột. Đến khi ăn, thực khách sẽ cảm thấy được vị dẻo của nếp, vị giòn của đu đủ, vị béo của đậu xanh, của cùi dừa, vị bùi bùi của hạt sen, vị ngọt thanh của đường,… tất cả hòa quyện với nhau tạo nên hương vị rất đặc trưng của bánh phu thê.
Bánh phu thê thường được gói thành hình vuông nhỏ (Nguồn riversidepalace)
Phần nhân bánh phu thê có hình tròn được gói gọn nằm trong vỏ bánh được nắn khuôn hình vuông bằng lá dừa, như biểu tượng vuông tròn của triết lý âm dương. Thêm vào đó, người ta còn dàn mỏng bột lên khuôn, đặt nhân vào một đầu rồi đắp phần bột còn lại lên nhân như thể hiện sự ôm ấp, che chở của tình phu thê. Đó là lý do vì sao, trong những ngày lễ vu quy, bánh phu thê luôn được các gia đình lựa chọn làm bánh cưới vào ngày vui vì ý nghĩa sâu xa của bánh.
Người ta thường dùng bánh vào dịp đám cưới vì ý nghĩa của nó (Nguồn diadiemdulich)
Miu Miu