Khí hậu khắc nghiệt và vùng thảo nguyên bao la chuyên chăn thả gia súc, khiến cho ẩm thực Mông Cổ chủ yếu xoay quanh các món từ thịt và chất béo động vật.
Dê hầm đá
Nguyên liệu để làm món dê hầm đá gồm thịt dê được chia thành từng tảng nhỏ đã bỏ xương, rau củ, một chút gia vị và… đá.
Không phải loại đá nào cũng được tận dụng để nấu nướng. Người dân nơi đây chỉ chọn khoảng 20-25 hòn đá to tương đương với nắm tay, bề mặt nhẵn rồi rửa sạch, hơ nóng trong lửa suốt hàng tiếng đồng hồ. Sau khi “sơ chế” đá, người ta xếp xen kẽ đá với các tảng thịt sao cho vừa khít chiếc nồi nấu. Lớp trên cùng được lấp đầy bằng củ, gia vị và rau xanh nếu có. Ngoài tác dụng giúp món ăn chín đều, các viên đá khô khốc còn có tác dụng thấm bớt lớp mỡ ngậy của thịt dê. Khi “ra lò”, món ăn được thưởng thức bằng tay thay vì dùng nĩa để tách nhỏ.
Để nấu món dê hầm đá, người dân nơi đây chỉ chọn những hòn đá to tương đương với nắm tay,
bề mặt nhẵn rồi rửa sạch, hơ nóng trong lửa suốt hàng tiếng đồng hồ. Ảnh: reddit.com
Món dê hầm đá hấp dẫn. Ảnh: discovermongolia
Thịt cừu nướng
Món cừu của người Mông Cổ có nhiều cách chế biến khác nhau, nhưng nổi bật và ấn tượng hơn cả vẫn là các món nướng. Đùi cừu nướng cùng các loại rau thơm, thảo quả được xem là linh hồn của tất cả các bữa tiệc của người Mông Cổ… Hình ảnh bếp lửa cháy bập bùng giữa tiết trời giá lạnh, bao quanh là những người đàn ông, phụ nữ và cả những đứa trẻ hai má đỏ ửng lên vì rét đang cùng chờ đợi những xiên thịt cừu chín, dường như đã trở thành một nét văn hóa của người dân Mông Cổ.
Đùi cừu nướng cùng các loại rau thơm, thảo quả được xem là linh hồn của tất cả
các bữa tiệc của người Mông Cổ. Ảnh: discovermongolia
Bánh hấp (Buuz)
Bánh hấp là loại bánh không quá xa lạ đối với du khách, song cách chế biến bánh với lớp nhân ngồn ngộn thịt của người Mông Cổ khiến không ít người tò mò. Để làm nên chiếc bánh hấp (buuz), các đầu bếp tại đây sẽ chuẩn bị nhân bánh bằng nguồn nguyên liệu sẵn có như thịt cừu hoặc bò kết hợp với hành tây, tỏi và gia vị.
Bánh hấp của Mông Cổ có nhân bánh bằng nguồn nguyên liệu sẵn có như thịt cừu hoặc bò kết hợp
với hành tây, tỏi và gia vị. Ảnh: roadtripmongolia.wordpress.com
Do rau xanh, củ quả ở đây khá hiếm nên nếu có điều kiện, người ta sẽ cho thêm hạt cây thì là, các loại thảo mộc của cao nguyên Mông Cổ cùng với khoai tây nghiền, bắp cải thái nhỏ vào phần nhân. Bởi nhân bánh rất nhiều, nên lớp vỏ khó có thể mềm mỏng như thường thấy mà khá dày để đảm bảo trong quá trình hấp chúng không bị bục nát.
Người Mông Cổ coi bánh hấp là món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết Tsagaan Sar. Tại đây, người ta dùng chúng với xà lách, bánh mì, rượu sữa ngựa hoặc rượu vodka.
Người Mông Cổ coi bánh hấp là món ăn truyền thống không thể thiếu
trong ngày Tết Tsagaan Sar. Ảnh: itsdimitri.com
Aaruul
Aaruul là sữa được làm đông lại, khô hoàn toàn tự nhiên trong không khí và dưới ánh mặt trời. Điều đáng chú ý là không có giới hạn trong thời gian sử dụng món ăn này, dĩ nhiên là với điều kiện thời tiết đặc trưng của Mông Cổ thôi. Bởi độ cứng “không phải vừa đâu” của món ăn này mà các chuyên gia tin rằng, Aaruul là một trong những yếu tố “đảm bảo” cho răng chắc và khỏe mạnh của người Mông Cổ.
Aaruul là sữa được làm đông lại, khô hoàn toàn tự nhiên trongkhông khí
và dưới ánh mặt trời. Ảnh: panoramicjourneys.com
Airag
Ngoài các món ăn trứ danh được chế biến từ cừu, người dân nơi đây còn tự hào về rượu sữa ngựa, còn biết đến với tên gọi Airag.
Rượu sữa ngựa là loại thức uống quen thuộc trong mọi bữa ăn của người Mông Cổ. Ảnh: pinterest.com
Rượu sữa ngựa được nhiều người ưa chuộng nhờ lượng vitamin và protein dồi dào. Đặc biệt để có được ly rượu sữa sóng sánh, người làm phải trải qua quá trình chế biến công phu. Cụ thể, muốn có được lượng rượu đủ dùng cho cả gia đình, người ta phải cần sữa của ít nhất 10 chú ngựa cái. Khi có được nguyên liệu, sữa được đưa vào một chiếc túi da treo trên cao. Hàng ngày, người làm phải lắc đều khoảng 1.000 lần sao cho rượu không quá lỏng, không quá đặc. Uống vào có vị chua chua của men, béo của sữa ngựa thì đạt chuẩn.
Theo Traveltimes.vn