Đến với cao nguyên đá, du khách không chỉ say đắm bởi cảnh đẹp hùng vĩ nhưng không kém phần thơ mộng nơi đây, mà còn bị thu hút bởi rất nhiều đặc sản thơm ngon và độc đáo.
1. Bánh tam giác mạch
Chỉ riêng cái tên đã gợi bao háo hức. Ngắm Sủng Là, Lũng Cú… rạng rỡ trong mùa hoa, bạn đừng bỏ qua cơ hội được nếm cả một mùa tím hồng mê mải ấy. Bánh tam giác mạch được làm từ hạt, thứ mà ít người cất công lên tới Hà Giang để ý bởi mải say trong những cánh hoa muôn hồng nghìn tía.
Bánh mềm xốp, cần nhấm nháp thật chậm để cảm nhận vị ngọt thanh thanh lan tỏa. Không quá mướt mát như bột gạo, bột tam giác mạch thoáng vị bùi, phảng phất chút hăng đặc trưng của cây rừng.
Bánh tam giác mạch. Ảnh: Hagiangonline.
Bánh được hấp chín trên bếp lửa, khi đến tay người mua vẫn còn nguyên hơi ấm. Tấm bánh to chừng hai bàn tay người lớn giá 10.000 đồng. Người Mông đi chợ phiên thường mua bánh tam giác mạch để ăn cùng thắng cố, như cách họ ăn bánh ngô, bánh gạo hay xôi bảy màu.
2. Cơm lam Bắc Mê
Cơm lam được làm chín bằng cách cho vào ống tre, ống nứa rồi nướng chín trên than, củi. Đồng bào các dân tộc thường làm món này để mang theo khi đi làm nương rẫy, vừa thuận tiện vừa dễ bảo quản.
Cơm lam Bắc Mê. Ảnh: Hagiangonline.
Công đoạn làm cơm lam Bắc Mê đơn giản và cũng không tốn kém. Nguyên liệu là loại gạo nếp ngon được trồng trên nương, ngâm kỹ trong nước. Việc lựa chọn gạo là yếu tố quan trọng nhất vì chúng quyết định phần lớn độ ngon và mùi thơm của cơm lam. Gạo nếp ngâm, vo sạch rồi trộn đều cùng với một chút muối.
Mỗi dân tộc ở mỗi vùng miền lại có cách chế biến thành hương vị riêng, nhưng cơm lam Bắc Mê của người Tày mang một hương vị đậm đà đặc biệt, để lại ấn tượng trong lòng du khách.
3. Rêu nướng
Rêu nướng lại là đặc sản Hà Giang không thể thiếu trong bữa ăn của người dân tộc Tày, ở xã Xuân Giang. Món ăn lạ miệng, ngon, lại có hương vị rất riêng. Rêu tươi được người dân tộc Tày đi lấy ở những khe đá dưới suối, rửa sạch và vò hết nhớt mới đem về chế biến.
Rêu nướng lạ miệng, ăn ngon, bổ mà lại có hương vị rất riêng. Ảnh: Tintuc.
4. Cháo ấu tẩu
Đến với Hà Giang, các bạn có thể sẽ được thưởng thức món cháo ấu tẩu thơm ngon bổ dưỡng. Cháo ấu tẩu có cả bốn mùa và chỉ bán vào buổi tối. Theo kinh nghiệm lâu năm của những người dân ở đây, cháo có tác dụng tốt nhất qua giấc ngủ đêm. Bát cháo ấu tẩu cũng như vị thuốc thần giúp xoa tan mệt nhọc của một ngày để có một giấc ngủ sâu và khoan khoái hơn.
Cháo ấu tẩu. Ảnh: hagiangsensetravel
Nấu được bát cháo cũng cầu kỳ và nhiều công đoạn. Củ ấu tẩu được ngâm kỹ trong nước vo gạo đặc một đêm, sau đó rửa sạch và ninh hơn 4 giờ, tới khi củ mềm, bở tơi. Gạo tẻ thơm, trộn ít nếp cái hoa vàng cho cháo đặc sánh.
Bột củ ấu tẩu được nấu lẫn gạo và nước dùng ninh từ chân giò lợn. Cuối cùng khi bắc ra, thêm trứng gà, ớt, tiêu, hành, rau mùi dậy lên mùi thơm ngọt ngào, chút tía tô tăng tác dụng giải cảm của bát cháo. Vị ngon của cháo còn phụ thuộc bí quyết của từng nhà hàng.
5. Mật ong bạc hà
Đây là đặc sản Hà Giang mà bất cứ ai lên đây cũng muốn tìm mua bằng được. Mật ong bạc hà lôi cuốn và làm say đắm lòng du khách không chỉ bởi vị ngọt đậm đà, êm dịu, thơm ngon, bổ dưỡng và mùi hương đặc biệt, mà hơn hết đó chính là thứ tinh túy từ núi đá, cùng những hạt sương mai và vô vàn khó nhọc của người H’mông trên vùng cao nguyên đá.
Mật ong bạc hà được chế biến thủ công và tỉ mẩn. Ảnh: Hagiangonline.
Mật ong bạc hà được người H’mông sản xuất theo phương pháp truyền thống, chủ yếu lấy từ hoa bạc hà và một số loài hoa của các loại thảo mộc hoang dại. Sản phẩm có màu xanh nhạt, pha lẫn chút màu vàng nhạt, khi thưởng thức có mùi thơm đặc trưng riêng, vị ngọt dịu mát và sánh đặc… Giá cũng cao hơn rất nhiều các loại mật ong khác. Hơn nữa, sản lượng mật ong bạc hà mỗi năm không nhiều, không bày bán ở chợ như những thứ khác nên khó tìm mua thứ đặc sản độc đáo này.
6. Thịt trâu gác bếp
Từ bao đời, thịt trâu, lợn gác bếp đã trở thành món ăn không thể thiếu, và là đặc sản Hà Giang mà du khách không thể bỏ qua khi đến đây.
Thịt trâu gác bếp. Ảnh: fiditour
Người ta thường chọn những phần thịt trâu ngon rồi xẻ dọc theo thớ thịt thành những miếng dài kiểu con chì, hun bằng khói của than củi từ các núi đá. Với miếng thịt trâu thành phẩm, mùi khói gần như vẫn còn nguyên, song lại không gây khó chịu. Thịt được ướp muối và gừng, ớt, tiêu rừng. Sau đó, thịt mắc trên giàn bếp, hun khói từ củi cây rừng. Gác bếp suốt hai tháng, khối thịt trâu ám khói đen và khô lại, thấm hết gia vị vào trong. Trên bề mặt vẫn còn những hạt tiêu rừng, miếng ớt, miếng gừng…
Giá thịt trâu gác bếp khoảng 700.000 đến 800.000 đồng một kg.
7. Thắng cố
Sẽ là thiếu sót nếu lên Hà Giang mà chưa thưởng thức thắng cố. Đến chợ Đồng Văn, uống rượu ngô, ăn thắng cố lâu nay đã thành một hoạt động tích hợp của người dân và các du khách khám phá tỉnh Tây Bắc này.
Thắng cố, món ăn phiên chợ Đồng Văn. Ảnh: Dulichhagiang.vn.
Từ nguyên liệu chính là thịt và nội tạng ngựa hoặc bò được xào lăn rồi châm nước, ninh sôi liên tục nhiều tiếng, món thắng cố làm người ta dễ liên tưởng đến phá lấu của miền Nam. Tuy nhiên, thắng cố – đặc sản Hà Giang – có các gia vị đi kèm đậm chất núi như thảo quả, hạt dổi, củ sả…
8. Thắng dền
Ai lên Đồng Văn cũng muốn một lần thưởng thức thắng cố, món chỉ ăn trong những phiên chợ. Còn giữa thị trấn hun hút gió mùa đông mà được ngồi bên bếp lửa ăn bát thắng dền, thật không có gì ấm áp và thú vị bằng.
Thắng dền trông giống bánh trôi tàu ở Hà Nội, giống bánh cống phù ở Lạng Sơn, được làm từ bột gạo nếp, có thể làm chay hoặc bọc nhân đậu đỗ. Mỗi viên bột được nặn to hơn đầu ngón tay cái chút xíu, cho vào nồi nước dùng luộc, đến khi nổi lên chủ quán sẽ dùng muôi vớt ra.
Thắng dền. Ảnh: Hagiangonline
Thắng dền thơm ngon hay không là ở bát nước dùng, được pha bởi hỗn hợp ngọt ngào của đường, béo ngậy của nước cốt dừa và cay cay của gừng đun nóng. Có thể rắc thêm vừng hoặc lạc cho món ăn thêm bùi. Khách ăn thường bỏ một hai viên thắng dền vào ngậm trong miệng một lúc, ngấm cái vị ngọt béo của nước đường, vị cay se se của gừng tươi, vị bùi ngậy của vừng lạc.
Click xem thêm Ngắm nhìn vẻ đẹp thơ mộng của lễ hội hoa tam giác mạch đầu tiên ở Hà Giang