Pháp luật quy định rằng Nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong trường hợp việc điều chỉnh dự án đầu tư làm thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Cần lưu ý rằng Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định nếu Nhà đầu tư không thực hiện theo đúng nội dung tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư”, sẽ bị xử phạt, mức xử phạt từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Vậy nên nếu có thay đổi xoay quanh dự án đầu tư, Nhà đầu tư cần tiến hành các thủ tục để điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư để đảm bảo tính pháp lý và hiệu lực của giấy chứng nhận đầu tư, đồng thời giúp nhà đầu tư tránh được rủi ro phát sinh trong quá trình thực hiện dự án. Trong bài viết này, công ty Luật Siglaw sẽ giải đáp các lưu ý khi điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư.
Khi nào cần điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư
Khoản 1 Điều 41 Luật Đầu tư năm 2020 quy định rằng trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, nhà đầu tư có quyền điều chỉnh mục tiêu, chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư, sáp nhập các dự án hoặc chia, tách một dự án thành nhiều dự án, sử dụng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất thuộc dự án đầu tư để góp vốn thành lập doanh nghiệp, hợp tác kinh doanh hoặc các nội dung khác và phải phù hợp với quy định của pháp luật. Theo đó, nếu việc điều chỉnh dự án đầu tư làm thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.thì Nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Các trường hợp cụ thể được quy định tại Khoản 2, 3 Điều 41 Luật Đầu tư 2020 như sau:
- Thay đổi tên dự án đầu tư.
- Thay đổi thông tin nhà đầu tư, thay đổi nhà đầu tư.
Thay đổi địa điểm thực hiện dự án đầu tư, diện tích đất sử dụng. - Thay đổi mục tiêu, quy mô dự án đầu tư.
- Thay đổi vốn của dự án đầu tư (gồm vốn góp của nhà đầu tư tức tăng giảm vốn điều lệ và vốn huy động tức tăng hoặc giảm vốn đầu tư).
- Thay đổi thời hạn hoạt động của dự án đầu tư.
- Thay đổi tiến độ thực hiện dự án đầu tư.
- Ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và căn cứ, điều kiện áp dụng (nếu có).
- Các điều kiện đối với nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư (nếu có).
Hồ sơ cơ bản cần chuẩn bị khi điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Đối với các dự án không thuộc diện chấp thuận đầu tư, nhà đầu tư có thể lựa chọn nộp hồ bộ hồ sơ đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo một trong hai hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp. Hồ sơ điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm:
- Văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư (Biểu mẫu A.I.11.h Thông tư số 03/2021/TT-BKHĐT);
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hiện tại
- Báo cáo tình hình triển khai dự án đầu tư đến thời điểm điều chỉnh (Biểu mẫu A.I.12 Thông tư số 03/2021/TT-BKHĐT);
- Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên/Đại hội đồng cổ đông/chủ sở hữu về việc điều chỉnh dự án (Đối với nhà đầu tư là tổ chức)
- Tài liệu liên quan đến việc điều chỉnh những nội dung quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, g và h khoản 1 Điều 33 của Luật Đầu tư (nếu có)
Lưu ý khi điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư
Về nơi nộp hồ sơ
Các nhà đầu tư cần xác định chính xác các thông tin về dự án của mình để gửi bộ hồ sơ đến đúng cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư, tránh việc mất thời gian không đáng có. Căn cứ Điều 34 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định về các cơ quan có thẩm quyền trong việc điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án đầu tư cụ thể như sau:
Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư, đặt hoặc dự kiến đặt văn phòng điều hành để thực hiện dự án đầu tư cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với:
- Dự án đầu tư thực hiện tại 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên;
- Dự án đầu tư thực hiện ở trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế;
- Dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế nơi chưa thành lập Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế hoặc không thuộc phạm vi quản lý của Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với:
- Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu chức năng trong khu kinh tế
- Dự án đầu tư thực hiện trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
Về tài liệu đính kèm hồ sơ
Theo điều 44 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, nhà đầu tư cũng phải cung cấp thêm một số giấy tờ khác và những giấy tờ này tùy thuộc vào nội dung cần điều chỉnh của giấy chứng nhận đầu tư, cụ thể:
Điều chỉnh nội dung về thông tin nhà đầu tư
- Giấy đăng ký doanh nghiệp của Công ty của công ty mẹ (NĐT là tổ chức).
- Hộ chiếu/CCCD/CMND của người đại diện theo pháp luật của nhà đầu tư
Điều chỉnh nội dung về vốn điều lệ, vốn đầu tư của dự án
- Cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ hoặc;
- Cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính hoặc;
- Bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư hoặc;
- Tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư
Điều chỉnh nội dung về địa điểm thực hiện dự án đầu tư, diện tích đất sử dụng
- Hợp đồng thuê đất, thuê văn phòng đăng ký địa điểm thực hiện dự án;
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bên cho thuê hoặc của nhà đầu tư hoặc các văn bản pháp lý thay thế khác;
- Trường hợp thuê đất, thuê văn phòng của doanh nghiệp khác cần cung cấp thêm Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của bên cho thuê có chức năng kinh doanh bất động sản
Vì vậy, Nhà Đầu tư cần xác định rõ những nội dung cần điều chỉnh và chuẩn bị đầy đủ các loại hồ sơ tùy theo nội dung được điều chỉnh, tránh để mất thời gian do hồ sơ không hợp lệ.
Về thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư
Có hai thủ tục khác nhau tùy theo sự thay đổi về số lượng nhà đầu tư của dự án.
Điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư không có nhà đầu tư mới góp vốn, mua cổ phần
- Bước 1: Nhà đầu tư kê khai trực tuyến các thông tin về dự án đầu tư, sau đó thực hiện thủ tục điều chỉnh và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với Cơ quan đăng ký đầu tư;
- Bước 2: Thực hiện thủ tục thay đổi nội dung liên quan trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và cập nhật thông tin trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia
- Bước 3: Ngoài ra trong trường hợp thay đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp cần phải thực hiện thủ tục điều chỉnh hoặc xin cấp giấy phép để được hoạt động. (Chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp bổ sung thêm ngành nghề thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa, cho thuê hàng hóa, và các ngành nghề theo quy định tại Nghị định 09/2018/NĐ-CP)…
Điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi có nhà đầu tư mới góp vốn, mua cổ phần
- Bước 1: Nhà đầu tư nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký đầu tư nơi tổ chức kinh tế đặt trụ sở chính và làm thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần với Công ty có vốn đầu tư nước ngoài;
- Bước 2: Nhà đầu tư nộp hồ sơ làm thủ tục ghi nhận thông tin nhà đầu tư trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh;
- Bước 3: điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư với việc cập nhật thông tin của nhà đầu tư mới cùng các nội dung điều chỉnh liên quan đến dự án đầu tư;
- Bước 4: Trường hợp nhà đầu tư có thực hiện bổ sung ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì tiếp tục thực hiện thủ tục thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh;
- Bước 5: Nếu bổ sung ngành nghề kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp cần phải thực hiện thủ tục điều chỉnh hoặc xin cấp giấy phép để được hoạt động.
Lưu ý thêm
Trường hợp thay đổi nội dung dẫn đến phải quyết định chủ trương đầu tư, nhà đầu từ và cơ quan đăng ký đầu tư cần thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư trước khi thực hiện điều chỉnh. Theo đó, nhà đầu tư cần xác định rõ nội dung thay đổi và thực hiện đúng và đầy đủ các thủ tục đối với từng trường hợp trên để tránh mất thời gian và tiền bạc.
Xem thêm: Dịch vụ Giấy phép lao động của công ty luật siglaw.