Du lịch Lào, đã đến Champasak, phải ghé ngôi đền Wat Phou, nơi đã được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa thế giới năm 2001
>> Vẻ đẹp của thành phố Bagan – Myanmar
Khám phá Champasak Lào
Tôi đến Lào rất nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên đến Champasak, thủ phủ của Nam Lào, thuộc tỉnh Pakse. Vừa qua khỏi biên giới Campuchia, chúng tôi đến Khone Phapheng – thác nước lớn nhất Đông Nam Á, nối hai bờ của sông Mekong với 2 tỉnh Champasak và Strung Treng của Campuchia. Từ xa xa, dòng nước trên thác cuộn chảy, đổ tung bọt trắng xoá, tiếng thác gầm vang vọng ầm ào. Hai bên bờ là những cánh rừng bạt ngàn.
Thác Khone Phapheng – Thác nước lớn nhất Đông Nam Á
Và Champasak có rất nhiều thác nước hùng vĩ như vậy. Ngày hôm sau, chúng tôi còn chứng kiến thác Tad Yuang, tuy không lớn bằng Khone Phapheng nhưng cảnh quan cũng đẹp không kém cạnh.
Thác Tad Yuang đẹp không kém cạnh
Buổi sớm, tôi thuê xe ôm để đi dạo loanh quanh trong thành phố. Ở Champasak không có taxi nên ngoài việc thuê xe gắn máy thì chỉ có xe ôm và tuk tuk mà thôi. Giá xe ôm khá mềm, 30.000 kíp (khoảng 80.000 đồng) cho hơn một giờ vừa chạy, vừa dừng để tôi chụp ảnh. Ở Pakse, rất hiếm những ngôi nhà cao tầng. Người dân chủ yếu đi xe bán tải và thứ này vẫn là “văn minh xe hơi”. Hai bên đường phố ở Pakse, những loài hoa nở rực rỡ trong nắng như bò cạp vàng, sứ trắng, sứ đỏ, phượng vĩ… Những ngày ở Champasak, tôi ở tại Pakse, trong tiếng Lào có nghĩa là “thành phố cửa sông” vì nằm trong sự bao bọc của hai con sông Sê Pôn và Mekong.
Phương tiện di chuyển chính ở đây là xe tuk tuk
Tôi đến thăm một ngôi chùa nằm đối diện với Hội người Việt tại Champasak. Chùa có kiến trúc độc đáo với mái uốn lượn, thiếp vàng rực rỡ. Đa số người Lào theo đạo Phật, khi họ qua đời thường hoả táng và tro được để trong những cái tháp nhỏ, đặt xung quanh chùa. Ghé qua chợ Pakse, ngôi chợ do bà Đào Hương, một doanh nhân Việt kiều thành công đã xây dựng nên, người dân ở đây quen gọi là chợ Đào Hương. Chợ khang trang, có đầy đủ các mặt hàng, phân từng khu và đặc biệt, đa số tiểu thương ở chợ là người Việt.
Chợ ở Pakse
Trong chợ bày bán hàng hóa chủ yếu có xuất xứ từ Thái Lan và Việt Nam. Khi trao đổi với tôi, cô Bé, con gái bà Đào Hương, người điều hành tập đoàn trăm triệu đô la Dao Heuang trên đất Lào từ năm 2006 cho biết đang chuẩn bị xây dựng mới và nâng cấp ngôi chợ. Tôi ghé chợ mua khô bò, lạp xưởng và chà bông về làm quà.
Du lịch Lào, đã đến Champasak, phải ghé ngôi đền Wat Phou, nơi đã được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa thế giới năm 2001. Được xây dựng từ thế kỷ thứ IX đến XIII, Wat Phou là một trong những đền thiêng liêng nhất của các vương triều Khmer, trước khi người Khmer di cư về phía Nam để xây dựng khu đền đài Angkor Wat ở Campuchia. Quần thể Wat Phu chia thành 3 cấp, tựa vào ngọn núi Voi sừng sững trên vùng đất bằng phẳng. Hai di tích của khu hạ và khu ngoại vi đã bị thời gian tàn phá, chỉ còn khu trung tâm vẫn giữ lại rõ nét những di chỉ.
Khu di tích đền Wat Phou
Bên cạnh Wat Phou, thác Khone Phapheng, Siphadone – 4.000 đảo trên sông Mekong, thì ẩm thực của Lào cũng đa dạng với nhiều món ăn ngon và sạch. Thật thích thú khi ngồi bên bờ sông Mekong, nhâm nhi bia Lào và thưởng thức các món cá nướng, cá hấp, gỏi cá, thịt nướng, bò khô ăn với xôi trắng. Chuối nướng cũng là một món ăn yêu thích của người Lào ở nơi đây.
Món chuối nướng ở Champasak
Chúng tôi có dịp trao đổi với các bạn doanh nhân trẻ ở Champasak về việc hợp tác phát triển du lịch nơi đây. Cho dù, hạ tầng về vận chuyển, đầu tư cho điểm du lịch còn hạn chế nhưng rõ ràng, tiềm năng du lịch của Champasak Lào vẫn còn ẩn giấu. Tôi sẽ sớm quay lại nơi này với các công ty du lịch Việt Nam, tôi tin họ sẽ quan tâm đến vùng đất hùng vĩ và vẻ đẹp còn ẩn giấu này!
Bay lên nào, Champasak!
Theo Ivivu