Zanzibar thật ra là tên chung của hai hòn đảo Unguja và Pemba. Tuy nhiên Pemba chỉ là nơi nghỉ dưỡng, còn thủ phủ và mọi hoạt động kinh tế đều đặt ở Unguja nên nhắc đến Zanzibar đa số mọi người đều chỉ nghĩ đến Unguja.
PHẦN I : Lịch sử và kiến trúc
Vì Zanzibar có vị trí đắc địa trên Ấn Độ Dương, nên từ thế kỷ thứ I, các thương nhân từ Ả Rập, Ba Tư, Ấn Độ đã đến đây mua bán gia vị – sản vật đặc trưng của địa phương. Những thế kỷ tiếp theo, hòn đảo xinh đẹp này liên tục chịu ảnh hưởng bởi những dòng thương nhân và những nền văn minh khác nhau đến từ Ai Cập, Phoenicia, Assyria, Trung Quốc, Ấn Độ, Ả Rập, Ba Tư, Mã Lai, Bồ Đào Nha, Anh, Hà Lan cho đến đế chế Oman.
Lịch sử giao thương đầy biến động đó đã bồi đắp cho Zanzibar một di sản văn hóa pha trộn đặc sắc và khác hẳn với lục địa Tanzania. Sau bãi biển nên thơ trải dài là bức tường dài đồ sộ bao bọc lấy khu phố cổ, nơi những nền văn minh đi qua và để lại nét tinh hoa của mình.
Nếu năm xưa Zanziar nổi tiếng là vùng trồng đinh hương lớn nhất thế giới và cũng là trung tâm mua bán nô lệ khét tiếng thì ngày nay, du khách đến với hòn đảo này vì những bãi biển cát trắng tinh, nước trong vắt tuyệt đẹp. Đảo là kết quả tích tụ qua hàng triệu năm của một rạn san hô khổng lồ.
Nếu năm xưa Zanziar nổi tiếng là vùng trồng đinh hương lớn nhất thế giới và cũng là trung tâm mua bán nô lệ khét tiếng thì ngày nay, du khách đến với hòn đảo này vì những bãi biển cát trắng tinh, nước trong vắt tuyệt đẹp. Đảo là kết quả tích tụ qua hàng triệu năm của một rạn san hô khổng lồ.
Những bãi đá san hô ngầm dưới lòng biển đã góp phần xây dựng nên thành phố Đá (Stone Town), quần thể kiến trúc quý giá trên đảo được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Phố Đá cũng là kết quả pha trộn của các phong cách kiến trúc, trang trí đến từ Ả Rập, Ba Tư, Ấn Độ và châu Âu.
Khu trung tâm cổ như một mê cung với những con đường hẹp chỉ dành cho khách bộ hành. Những ai có tính hoài cổ sẽ loanh quanh trong phố cả ngày mà không chán. Dư âm thời phồn thịnh của Zanzibar xưa còn đó trên những ngôi nhà xây dựng cầu kỳ có bậc thềm cho người qua đường ngồi nghỉ, và đặc biệt là có những cánh cửa được trang trí vô cùng tinh xảo, đẹp mắt.
Điều thú vị là những cánh cửa bằng gỗ quý cũng nói lên thân thế của chủ nhà. Du khách sẽ dễ dàng nhận ra một ngôi nhà của người Ấn Độ bởi những cánh cửa khắc hoa văn Hindu và những ụ đồng có hình dáng như mái vòm của lăng mộ Taj Mahal.
Còn nếu là nhà của người Swahili đến từ lục địa Phi châu, cánh cửa sẽ được trang trí bằng những ụ đồng tròn nhỏ cùng với hình điêu khắc hoa lá phóng khoáng thể hiện những cánh rừng hay các đồng cỏ savan bao la.
Cách đây 200 năm, phố Đá lại nhận thêm những nét mới mẻ khi người Oman đến xây thêm nhiều dãy nhà quét sơn trắng và một pháo đài theo kiến trúc của người Ả Rập. Những người Bồ Đào Nha và người Anh đến sau cùng mang không khí châu Âu đến cho phố bằng những ngôi nhà thờ chính thống xây bằng đá san hô. Bên cạnh đó Stone Town còn nhiều nhà thờ đạo Hồi, cửa hàng, chợ, nhà kho cũ mà mỗi công trình đều có những nét đặc trưng riêng.
Trong những tòa nhà mang tính lịch sử, nổi bật nhất có lẽ là cung điện các phép màu (Palace of Wonders) nằm trên đường Mizingani dọc theo bờ biển. Bước chân vào Palace of Wonders, du khách sẽ trở lại với quá khứ sống động của vùng duyên hải Đông Phi.
Có lẽ vì mảnh đất này còn quá xa lạ với người Việt nên từng câu chuyện, từng bức ảnh trong bảo tàng đều gợi lên những tưởng tượng mới mẻ về lịch sử thăng trầm của các nền văn minh.