Vào thời còn phồn thịnh, Phố Hiến không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế thứ hai sau kinh đô Thăng Long mà còn là nơi gặp gỡ của nhiều nền văn hóa. Đến nay, quá khứ sôi động ấy vẫn còn thể hiện qua nhiều công trình kiến trúc như đền, chùa, nhà thờ, văn miếu…
Du khách khi đi trên cầu Yên Lệnh thuộc quốc lộ 38, nối Hà Nam với Hưng Yên sẽ nhìn thấy văn miếu Xích Đằng thấp thoáng sau hai cây gạo mấy trăm năm tuổi được trồng trước cổng. Trên đường dẫn vào tam quan còn có tượng hai con nghê đá lớn được tạc từ thế kỷ XVIII. Tam quan (hay còn gọi là cổng Nghi môn) của văn miếu Xích Đằng là một trong những công trình còn giữ được nét kiến trúc độc đáo trong các văn miếu còn lại ở Việt Nam. Được dựng theo lối kiến trúc chồng diêm, hai tầng tám mái có lầu gác. Hai bên Tam quan có hai bục loa, dùng để xướng danh sĩ tử và thông báo những quy định trong các kỳ thi hương.
Tọa lạc ngay trung tâm thành phố là nhà thờ Phố Hiến do người Bồ Đào Nha xây dựng. Dù đã gần 400 năm tuổi, giáo đường này vẫn giữ được dáng dấp uy nghi và đường nét hoa văn theo lối kiến trúc Gothic lộng lẫy. Cách đó không xa là đền Mẫu – một trong những danh lam thắng cảnh đẹp nhất Hưng Yên. Bên phải đền là hồ Bán Nguyệt phong cảnh hữu tình, mặt nước trong xanh phẳng lặng, bốn bề cây xanh râm mát. Phía trước đền là Bến Đá sông Hồng – nơi thuyền cập bến buôn bán tại Phố Hiến xưa. Giữa sân đền có cây đại thụ mà theo truyền thuyết thì đã sống gần bảy trăm năm. Cây được kết hợp bởi cây đa, cây bàng và cây sanh quấn quýt lấy nhau. Cây đa có hai rễ phụ tỏa nhánh bao trùm cả sân đền. Thân chính cây đa đã mục ruỗng, du khách có thể chui vào trong thân cây mà trèo lên cành đa cao 2 mét bên trên.
Cổ kính không kém là chùa Chuông nằm tại thôn Nhân Dục phường Hiến Nam được xây dựng từ thế kỷ XVII. Truyền thuyết kể rằng vào một năm lụt lớn, có quả chuông vàng đặt trên bè dạt vào bãi sông. Nhiều nơi đua nhau kéo chuông về nhưng chỉ có người dân thôn Nhân Dục là kéo được. Dân làng cho là Trời Phật giúp đỡ liền dựng chùa, xây lầu treo chuông. Chùa mang tên Kim Chung tự, tức chùa Chuông từ đó. Du khách tới vãn cảnh chùa Chuông đều có ấn tượng trước quy mô bề thế và khuôn viên hữu tình. Từ tam quan bước vào là gặp ngay cây cầu đá xanh dẫn lối qua ao sung. Sân chùa phủ bóng cây mát rượi, tiếng gió lao xao vòm lá, tiếng chim líu ríu trên mái ngói thâm nghiêm tạo thành một chuỗi âm thanh êm ái thoát tục…
Dù giấc mơ phục hồi lại Phố Hiến khó thành hiện thực, nơi đây vẫn xứng đáng để những ai muốn nhìn lại thăng trầm của lịch sử và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của phồn hoa xưa ghé thăm một lần. Nếu đến đúng mùa nhãn lồng, được nếm thử vị thơm ngọt của loại trái cây làm nên niềm tự hào cho đất Hưng Yên, hẳn du khách sẽ có thêm điều để nhớ mãi về vùng đất này.