Mã Pí Lèng là tên gọi theo tiếng Quan Hỏa chỉ sống mũi con ngựa theo nghĩa đen. Nhưng theo nghĩa bóng tên gọi này chỉ sự hiểm trở bậc nhất của đỉnh núi, nơi những con ngựa cái leo lên đến đỉnh trụy thai mà chết, nơi dốc cao đến mức con ngựa đi qua phải tắt thở, hoặc đỉnh núi dựng đứng như sống mũi con ngựa. Tuy nhiên, theo một số người Hmong bản địa thì tên đúng của đèo là Máo Pì Lèng, nghĩa là “sống mũi con mèo”.
Đỉnh Mã Pí Lèng thuộc ba xã Pải Lủng, Pả Vi và Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang) trong cao nguyên đá Đồng Văn có độ cao khoảng 2000m so với mặt nước biển, được tạo nên bởi một loạt trầm tích gồm đá vôi, đá phiến ánh, đá vôi silic chứa các hóa thạch cách đây khoảng 426 triệu năm, bao gồm trong đó nhiều vết trượt và vết nứt do các hoạt động tạo núi gây ra. Cảnh quan khu vực này lởm chởm đá dựng, trong đó vực sâu sông Nho Quế như xẻ đôi một bên là đỉnh Mã Pí Lèng và một bên là Săm Pun (Sam Pun), nơi có cột mốc biên giới và cửa khẩu thông thương từ Xín Cái sang Điền Bồng, Trung Quốc. Các học giả Pháp, từ cả trăm năm trước, đã gọi đỉnh Mã Pí Lèng nói riêng và Công viên địa chất toàn cầu, cao nguyên đá Đồng Văn nói chung là một “Tượng đài Địa chất”. Đi trên đèo Mã Pí Lèng nhìn xuống vực sâu, con sông Nho Quế chỉ bé như một sợi chỉ mà muốn xuống đến mặt nước của sông phải mất hơn một ngày đường.
Mã Pì Lèng nằm trên con đường Hạnh Phúc từ thành phố Hà Giang đi Đồng Văn, Mèo Vạc
Con đường đèo uốn lượn qua vách núi dựng đứng, dưới chân là hẻm vực sông Nho Quế sâu hun hút
Đèo Mã Pì Lèng tuy không dài nhưng là cung đèo hiểm trở bậc nhất ở vùng núi biên viễn phía bắc, được ví như “vua” của các con đèo Việt Nam. Để làm con đường này đã có hàng chục nghìn nhân công từ khắp các tỉnh miền bắc ngày đêm miệt mài đục đá, riêng đoạn qua Mã Pì Lèng được các thanh niên cảm tử treo mình trên vách núi lấn từng centimet để làm đường trong 11 tháng. Cung đường đèo ban đầu được mở chỉ đủ rộng chỗ cho người đi bộ và xe thồ, về sau được mở rộng hơn cho ô tô, nhưng vẫn rất nguy hiểm vì những đoạn cua tay áo, hai xe ngược chiều rất khó tránh nhau. Sau khi hoàn thành, đèo Mã Pì Lèng với 9 khúc quanh uốn bên vách đá dựng đứng, dưới là vực thẳm hun hút đã trở thành một kỳ tích được ví như một “Vạn Lý Trường Thành” của Việt Nam. Trên đỉnh đèo đặt một tấm bia đá ghi lại những dấu ấn xây dựng đường đèo, đây cũng là nơi tưởng nhớ những người đã hi sinh, góp cả tính mạng mình làm nên con đường Hạnh Phúc.
Ngày 16 tháng 11 năm 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã quyết định xếp khu vực Mã Pí Lèng là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia. Theo đó danh lam thắng cảnh Mã Pí Lèng bao gồm: đèo Mã Pí Lèng được coi là khu vực di sản đặc sắc về địa chất và cảnh quan; khu vực đỉnh đèo được đánh giá là một trong những điểm quan sát toàn cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam; hẻm vực sông Nho Quế là một trong những thung lũng kiến tạo độc nhất vô nhị ở Việt Nam.
Cung đường đèo uốn lượn hình chữ M vắt qua sườn núi
Một khúc “cua tay áo” đầy nguy hiểm
Con đường đèo như dải lụa quanh co uốn khúc lượn theo sườn núi, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm hẳn là một thử thách lớn với những ai ưa mạo hiểm. Sau khi vượt qua những con dốc, du khách đặt chân lên đỉnh Mã Pì Lèng, chợt ngỡ ngàng giữa không gian hùng vĩ của núi rừng hiện lên trên nền trời sáng trong. Không gì có thể lột tả được hết cái trùng điệp ngàn tầng ngàn lớp của núi, cái trắng xóa huyền ảo của mây, cái thẳm sâu hun hút của vực, với dòng sông Nho Quế xanh ngắt dưới chân núi. Đặc biệt, mỏm đá nhô ra từ một vị trí thuộc khu vực đèo Mã Pì Lèng chính là nơi cảm nhận được trọn vẹn sự hùng vĩ bao la của núi rừng miền biên giới phía bắc. Du khách tưởng như đang ở giữa lưng chừng trời, “chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi”, ngắm hình sông thế núi vời vợi, niềm vui tưởng chừng lan tỏa, du khách cảm nhận được vẻ đẹp vô cùng của đất nước quê hương.
Dân phượt thích thú tạo dáng trên mỏm đá huyền thoại ở Mã Pì Lèng
Sông Nho Quế nhìn từ đỉnh Mã Pì Lèng xanh trong như cổ tích
Bức tranh hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc nhìn từ Mã Pì Lèng