Đến với Pleiku, du khách không những chỉ được ngắm và thưởng ngoạn không chỉ là Biển Hồ, mà còn được thả mình vào cái dễ chịu cửa nương chè bạt ngàn tại Biển Hồ chè xứ Tây Nguyên.
Biển Hồ chè là cái tên mà người dân Pleiku gọi nơi này, một nơi kết hợp giữa hồ nước thủy lợi và những bạt ngàn chè xanh nơi đây.
Đồn điền trà chỉ cách TP. Pleiku về phía Bắc chừng 10 km, nằm trên địa phận huyện Chư Pah. Đây cũng chính là đồn điền trà đầu tiên của người Pháp ở Gia Lai, hình thành từ những năm 20 thế kỷ trước. Hẳn nhiên có nhiều câu chuyện về đồn điền trà đầu tiên trên cao nguyên, từ những công nhân chè đầu tiên.
Nhưng cuộc dâu bể đã ngót trăm năm, từ năm 1919-1920, người Pháp đã khai khẩn vùng đất phía Bắc của Tây Nguyên làm nơi trồng chè. Hiện nay, lớp cháu con nối nghiệp trà vẫn cần mẫn bên luống trà mỗi ngày để mưu sinh. Chính hình ảnh lao động bình dị ấy trên biển trà mênh mông vô tình mê hoặc lòng người, khiến ai ngang qua cũng phải ngừng bước, ngơ ngẩn, si mê bức tranh ruộng đồng.
Giữa vườn trà thênh thang ngút mắt, nhìn về phía nào cũng phải khẽ reo lên. Phía mây phủ trên nhấp nhô đồi núi, thấp thoáng trong mây bay là ngọn tháp cao ngất của một ngôi chùa cổ. Phía gần hơn có hàng thông cổ thụ trăm năm đứng im lìm trầm mặc, đổ bóng xuống những luống trà xanh ngát. Phía xa xa có đường chân trời đầy mây xám như chạm vào màu xanh của đồi trà…
Đã đến với Biển Hồ Chè, du khách không thể không đi thăm một địa điểm linh thiêng tại đây- đó là chùa Bửu Minh.
Có lịch sử hơn 50 năm và qua nhiều lần tu sửa, tới nay, ngôi chùa đã là nơi chứng kiến nhiều sự thay đổi của những mảnh nương chè, cùng với đó là những tâm tư của bao thế hệ người trồng chè.
Với diện tích chánh điện hơn 500 m2, cao gần 50m , chùa Bửu Minh là niềm tự hào của người trồng chè tại Biển Hồ chè nói riêng và người dân Pleiku nói chung.
Bao năm đã đi qua, những mùa vụ chè được trồng rồi thu hoạch, những cơn gió và tia nắng hàng ngày vẫn đi qua nơi này- nơi Biển Hồ xanh ngát, chứa đựng trong mình bao yêu thương của người dân xứ Pleiku tới quê hương.