Biển Hồ là một thắng cảnh tự nhiên nằm phía Bắc thành phố Pleiku – Gia Lai. Nơi đây không chỉ nổi tiếng cả vùng Tây Nguyên bởi những huyền thoại, mà nó còn là một điểm khám phá của tất cả những ai muốn biết về Tây Nguyên.
Tên Biển Hồ là do người Kinh đặt, còn tên thật của nó là La Nueng (Tơ Nưng), là một miệng núi lửa khổng lồ, cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 7km.
Cái tên Biển Hồ có lẽ cũng là do khát vọng của con người mà ra. Cao nguyên Pleiku cao hơn mực nước biển cả nghìn mét. Theo nguyên tắc bình thông nhau thì chả có giọt nước nào tồn tại được trên những đỉnh núi cao này. Và vì thế mà con người khao khát nước, khao khát biển.
Một nhà thơ đã viết khi đến thăm Biển Hồ: Thương thương quá suốt một đời thiếu nước/Nên cái ao tù cũng thành biển của em… Vì thế, có một cái “ao” trên đỉnh núi cao vời vợi, đứng ở dưới Quốc lộ 1 nhìn lên chỉ thấy mây phủ kín, ấy thì người ta gọi là “biển” cũng đúng thôi.
Ở đây, quanh năm hồ ăm ắp nước và luôn luôn xanh ngắt, như một chiếc gương trên chót vót cao nguyên cho mây trời soi bóng. Xung quanh là rừng thông bao bọc tạo nên không khí mát mẻ quanh năm cho nơi này.
Con đường với hai hàng thông ba lá cổ thụ dẫn vào Biển Hồ như thơ mộng hơn vào tiết cuối thu. Trời se lạnh, mặt hồ xanh trong màu ngọc bích, phẳng như một tấm gương không tì vết. Điểm xuyết trong màu xanh bạt ngàn của rừng thông ven hồ là những thảm hoa dã quỳ khoe sắc vàng rực rỡ, in bóng lung linh xuống mặt nước.
Trong khung cảnh lung linh ấy còn gì tuyệt hơn trên chiếc thuyền độc mộc đi một vòng quanh hồ, đưa máy lên chộp ngay những khoảnh khắc thiên nhiên không dễ bắt gặp lần thứ hai giữa biển nước bao quanh là trùng trùng núi cao.
Đêm xuống bên ánh lửa bập bùng, vừa nếm ngụm rượu cần ở làng Brel, nghe già làng kể những truyền thuyết huyền bí về Biển Hồ, đối với người trai đất Bắc như tôi điều gì còn có thể tuyệt hơn. Có nhiều phiên bản được truyền miệng về Biển Hồ, nhưng câu chuyện của già làng Brel nghe buồn man mác.
Đó là câu chuyện Biển Hồ từng là buôn làng sầm uất với những dòng suối trong veo. Ngày ngày tiếng chiêng, tiếng trống rộn rã khắp núi rừng. Rồi một năm nọ, trâu bò cả làng đều chết. Dân làng cho là Giàng (Trời) ghét bỏ nên cùng tộc trưởng vào rừng săn bắt nai đem về làm lễ cúng.
Lễ xong, mọi người đang vui say bỗng mặt đất rung chuyển mạnh làm sụp đổ cả làng xuống vực sâu, nước tràn mênh mông, không một ai sống sót. Riêng có vợ chồng Mạc Mây đi thăm bà con ở xa nên tránh được tai nạn thảm khốc. Họ xem hồ Tơ Nưng là chứng tích của một sự kiện bi thảm khó quên được.
Hồ Tơ Nưng được mệnh danh là hạt ngọc, là đôi mắt của Plieku nên bất cứ ai đã đặt chân đến vùng đất Tây Nguyên cũng muốn đến để xem. Con đường nhựa phẳng lỳ chạy xuyên qua những hẻm núi gồ ghề, vách thẳng đứng rêu phong, điểm tô bởi các bụi cây dã quỳ hoa vàng rực rỡ dẫn ra đến bờ hồ. Mặt hồ ở cao trên một ngọn núi nên không bị các dải núi xung quanh che khuất, đứng bên bờ hồ có cảm giác như đứng bên bờ biển lộng gió. Vào buổi sáng, sương và hơi nước phủ trắng mặt hồ và các rừng cây xung quanh nên sáng sớm ra hồ đứng trên lầu vọng cảnh nhìn sương khói buổi sớm sẽ thấy rất nhiều bí ẩn của vùng đất này.
Nếu có thể đi trên hồ Tơ Nưng bằng thuyền độc mộc, vừa ngắm cảnh vừa nghe người lái thuyền kể về những huyền thoại của vùng đất này thì mọi người sẽ cảm thấy, thế giới thật rộng lớn và những gì mình đã biết thì thật ít ỏi, nhỏ nhoi. Cảm giác tương tự như một buổi chiều đi thuyền độc mộc trên hồ Lắk ở Đắk Lắk. Mênh mang và huyền bí vô cùng.
Rời Biển Hồ, rời Pleiku mà câu hát của Nguyễn Cường vẫn văng vẳng bên tai: “Em đẹp thế Pleiku ơi…”