Thực khách nào đến quán đều bị choáng ngợp bởi số lượng đĩa bánh trên bàn ăn của các vị khách khác. Không ai biết gọi tên đĩa bánh đó là gì mới đúng, nhưng những thực khách vui tính sẽ gọi nó là “bánh trùm mền”.
Theo chị Vương Kiều Giang (38 tuổi, quê Buôn Mê Thuột, chủ quán) thì bánh này có tên gọi là bánh ướt. Tuy nhiên, bánh ướt nem nướng bắt nguồn từ Nha Trang, nhưng lúc đó bánh được bán theo đĩa, mỗi đĩa có đầy đủ bánh và thịt. Chỉ khi bánh ướt được một quán ở Buôn Mê Thuột phát triển thì người ta mới dần biết đến và nhầm lẫn xuất xứ của nó.
Gia đình chị Giang vốn làm nghề in ấn, thế nhưng cả gia đình ai cũng ghiền món bánh ướt, nhiều lần cả nhà gặp nhau đều làm bánh ướt để ăn. Một ngày, chị Giang được sự gợi ý của người thân trong gia đình nên quyết định chuyển sang mở quán Bánh ướt Ban Mê (Q. Phú Nhuận, TP. HCM).
Quán mở cửa từ 9h đến 22h mỗi ngày. Mỗi đĩa bánh ướt chỉ có một chiếc bánh vừa mới ra lò
nóng hổi, thêm vào đó là hẹ khử dầu và tôm khô cháy giá 2.000 đồng.
Chính vì việc cho tất cả thành phần của bánh vào cuốn lại nên người ăn thường hay nhầm tưởng chị Giang bán bánh cuốn nóng, người thì cho là không phải vì giống bánh ướt, bánh hỏi hơn. Một điều thú vị làm quán “chết danh bánh trùm mền” là do những quý ông không được khéo léo, họ cuốn bánh bị vỡ rồi lấy những miếng bánh khác đắp lên chỗ bị hư, rồi đùa với nhau cứ như là đang… trùm mền cho thịt.
Điều thú vị là những người chưa từng biết đến quán họ sẽ ngỡ ngàng bởi những chồng chén dĩa thuộc dạng “khủng” ở mỗi bàn ăn. Theo chị Giang thì ban đầu chị mới bán mọi người rất tò mò, nhất là những người đi ngang, họ thường dừng lại để xem chị bán cái gì mà ở mỗi bàn ăn dĩa của khách lại chất từ 10 đến 20 chiếc. Sau đó họ vào ăn thử và thấy thích nên mời bạn bè đến dùng.
Tất cả các món ăn đều do quán nghĩ thêm và tự chế biến. Mỗi loại ăn kèm đều có giá riêng,
tùy theo sở thích mà thực khách có thể gọi thêm cho mình
Để làm được một đĩa bánh ngon cũng lắm công phu, nhất là khâu chọn gạo, phải chọn loại gạo vừa dẻo vừa thơm, sau đó ngâm khoảng 2-3 tiếng, mang đi xay rồi đổ ra thùng đợi bột lắng xuống, cuối cùng là chắt hết nước trong phía trên mặt chỉ chừa lại một phần bột mịn, thêm vào tí muối trộn đều rồi mới mang hấp.
Dụng cụ hấp phải là nồi đáy sâu, cho nước vào phía dưới, phía trên căn lớp vải mịn, nắp phải cao để lấy nhiệt. Khi hấp thì nước phải thật sôi, cho một lớp bột mỏng, đậy nắp 1-2 giây rồi dùng thanh tre mỏng, thấm nước để lấy bánh. Phải làm thật đều tay nếu như không muốn bánh quá dày, hay vỡ nát. Sau đó bánh được đặt lên dĩa, cho thêm tí hẹ phi, và tôm khô giã nhuyễn. Vì thế nếu ăn bánh không sẽ có vị thơm của gạo, béo của hẹ phi, và mùi tôm khô sựt nứt.
Điều đặc biệt là từ bánh, nhân và nước chấm, cải chua đều do quán tự chọn nguyên liệu và chế biến theo công thức riêng nên bất kỳ thực khách khó tính nào cũng vừa ý.
“Độc chiêu” của quán chính là ba loại nước chấm khác nhau nhưng mang lên cùng lúc. Tùy khẩu vị người ăn mà có thể chọn loại nước chắm cho riêng mình. Nhưng nếu ăn “đúng điệu” theo hướng dẫn của chủ quán thì nước mắm chua ngọt dành cho thịt nướng, mắm nêm sẽ ăn cùng với nem lụi, và nước chắm cuối cùng dành cho nem nướng. Với chị Giang niềm tự hào của chị là nước chắm nem nướng vì nó được làm theo cách riêng của chị, với thành phần thịt, tôm luộc, xay nhuyễn hai loại này rồi cho vào nước luộc ban đầu, thêm tí gia vị riêng rồi nấu với lửa vừa, khoáy đều tay đến khi nào nước sánh lại mới có thể dùng. Ngoài sự đặc biệt và hương vị ngon lành tại đây, chủ quán cũng là người rất nhiệt tình và yêu nghề. Quán đông khách nhất là vào buổi chiều hoặc cuối tuần. Nhân viên và chủ quán làm không ngưng tay, thế nhưng nếu thấy khách nào ăn không hết, hay bỏ nữa chừng chị Giang đều đến hỏi nguyên nhân để hoàn thiện món ăn hơn. Có thể vì điều đó mà khi khách đã đến đây ăn thử một lần thì sẽ phải đến lần thứ hai.
Theo Phạm An / Trí Thức Trẻ