“Cao nhất là núi Vung Viêng
Thấp nhất là biển, cao hơn là trời”…
Làng vạn chài Vung Viêng ở Bái Tử Long, một làng nằm trong hàng ngàn hòn đảo của Vịnh Hạ Long thơ mộng. Đôi, ba lần đi qua, tự nhiên tôi cứ nghĩ cái tên Vung Viêng (tên cổ là Vung Vênh) phải là “Chông Chênh” mới đúng. Bởi lẽ cái làng nổi với hơn năm chục nóc nhà đã bao đời nay vẫn chông chênh tựa lưng vào vách núi chống lại thiên tai, gió bão của trời, sóng nước của biển khơi để tồn tại, hình thành và phát triển.
Làng có từ lâu rồi, lâu bao nhiêu chẳng ai rõ. Ngày xưa chắc cũng có bãi đất, bãi cát, vì mỗi khi thủy triều rút dưới đáy vịnh vẫn còn vài dấu tích của móng nhà, công trình được xây bằng đá. Và người dân của làng vẫn vớt được nhiều đồ gốm sành nâu thô mộc, cùng những nét vạch thẳng từ trên xuống trông như gốm Thổ Hà. Đồ gốm này có thể do dân địa phương tự sản xuất, và cũng có thể do các thương lái vận chuyển từ đất liền ra bán cho các làng, các thuyền, hoặc mang đi đâu xa hơn nữa. Bởi lẽ từ Vung Viêng đi ra thương cảng Vân Đồn chẳng bao xa, chỉ đôi ba tiếng đi thuyền là tới. Thôi thì nhờ các nhà nghiên cứu lịch sử vậy…
Làng có từ lâu rồi, lâu bao nhiêu chẳng ai rõ. Ngày xưa chắc cũng có bãi đất, bãi cát, vì mỗi khi thủy triều rút dưới đáy vịnh vẫn còn vài dấu tích của móng nhà, công trình được xây bằng đá. Và người dân của làng vẫn vớt được nhiều đồ gốm sành nâu thô mộc, cùng những nét vạch thẳng từ trên xuống trông như gốm Thổ Hà. Đồ gốm này có thể do dân địa phương tự sản xuất, và cũng có thể do các thương lái vận chuyển từ đất liền ra bán cho các làng, các thuyền, hoặc mang đi đâu xa hơn nữa. Bởi lẽ từ Vung Viêng đi ra thương cảng Vân Đồn chẳng bao xa, chỉ đôi ba tiếng đi thuyền là tới. Thôi thì nhờ các nhà nghiên cứu lịch sử vậy…
Tên cũ của khu gọi là khu Cặp Dè. Với những địa danh như Cống Vung Viêng, Cống Đỏ, Cống Đầm. Làng chài Vung Viêng là hệ thống làng nổi trên biển. Cuộc sống sinh hoạt của cả làng chỉ trên bè. Trước kia các gia đình sống trên thuyền, họ tập trung vào cái vịnh nhỏ để chống gió bão. Lâu dần thành làng, qua thời gian họ dựng những ngôi nhà tạm bằng gỗ, tre, lá. Rồi bè mái lá, vách gỗ, thay bằng bè mái bằng, mái úp. Hiện đại bây giờ thì lợp mái tôn, mái lá bộc lưới cũ lên chống gió.
Các bè được đặt lên những thanh gỗ dài từ 5 đến 7m. Gỗ làm công trình có gỗ táu là tốt nhất. Các cây gỗ được kết cấu bằng bu long sắt. Toàn bộ sức nặng được đặt lên hệ thống phao nổi bằng thùng phuy cũ, xốp được bọc bằng những tấm bạt chống nước. Dân gọi đó là móng nhà. Nhìn những khu lán bè màu sắc sặc sỡ, nâu, đỏ, vàng, xanh. Tựa lưng vào vách núi đen thẫm, mốc thếch chằng chịt những vết nứt xẻ ngang, xẻ dọc do kiến tạo địa chất được in bóng xuống biển xanh trông như những bức tranh ấn tượng thật đẹp.
Từ xưa làng chài trên Hạ Long là nơi mà nhiều đời qua, các thế hệ người dân đã sinh sống, gắn bó máu thịt. Chính vì thế, người dân mong muốn sau khi tái định cư, ổn định chỗ ở trên bờ vẫn có việc làm, gắn với các hoạt động du lịch trên Vịnh Hạ Long.
Thực tế, hiện nay trừ khu tái định cư mới Cái Xà Cong, các làng chài Ba Hang, Cửa Vạn, Vung Viêng đều là những làng chài đẹp, điểm du lịch nổi tiếng trên vịnh Hạ Long đã được đưa vào khai thác du lịch. Những năm gần đây, lượng khách du lịch đến tham quan các làng chài liên tục tăng.
Mặc dù di dời các hộ dân làng chài lên bờ, nhưng chính quyền địa phương vẫn tạo điều kiện cho các hộ dân mưu sinh trên vịnh để vừa đảm bảo kế sinh nhai cho người dân vừa góp phần giữ gìn những nét văn hóa đặc sắc của người vạn chài Hạ Long.
Với quyết định này của Quảng Ninh, giờ đây, mỗi người dân làng chài cũ không chỉ biết làm du lịch mà còn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường Vịnh. Hàng ngày người dân tự nguyện thu gom rác trôi nổi trên biển để mang đi xử lý. Mỗi ngư dân chèo đò không chỉ là một tuyên truyền viên đắc lực mà còn trực tiếp tham gia vớt rác trên mặt Vịnh, bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long ngày càng xanh, sạch, đẹp.