Hang động Sơn Đoòng thuộc quần thể hang động Phong Nha – Kẻ Bàng ở Quảng Bình. Vào tháng 4/2009, phái đoàn Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh do Howard Limbirt dẫn đầu đã công bố việc phát hiện hang và cho rằng quy mô của hang Sơn Đoòng quả thực là lớn nhất thế giới. Nơi đây được hình thành khoảng 2-5 triệu năm trước. Khi nước sông chảy qua vùng đá vôi đã vùi lấp theo đường đứt gãy. Dòng sông xói mòn tạo thành đường ngầm khổng lồ trong lòng đất, lâu ngày thành vòm hang khổng lồ. Hang có chiều rộng chừng 150m, cao hơn 200m và dài ít nhất 5km. Với kích thước như thế, hiện Sơn Đoòng đang là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới.
Điều đặc biệt kỳ bí của hang động này là nó vẫn còn được rất ít người biết tới. Chỉ một số người dân địa phương biết về hang nhưng họ cũng chưa từng dám thử đi sâu vào lòng hang rộng lớn, vì vậy, mức độ khổng lồ của hang Sơn Đoòng vẫn luôn là một bí mật cho tới tận gần đây. Giờ đây, bên cạnh những hang động nổi tiếng thế giới như hang Mammoth ở bang Kentucky, Mỹ (hang động dài nhất thế giới) hay hang Krubera ở bang Georgia, Mỹ (hang động sâu nhất thế giới) đã có thêm hang Sơn Đoòng ở Quảng Bình, Việt Nam – hang động lớn nhất thế giới.
Một người đàn ông địa phương đã từng phát hiện ra lối vào cửa hang hồi năm 1991, tuy vậy, chưa có một đoàn thám hiểm nào chính thức đến để khám phá toàn bộ lòng hang cho tới khi một đoàn thám hiểm người Anh tới đây hồi năm 2009. Giờ đây, một công ty du lịch lữ hành tại Việt Nam đang bắt đầu vận hành những tour du lịch thử nghiệm đầu tiên dành cho các du khách ưa thám hiểm hang động. Để vào được hang Sơn Đoòng, du khách phải là một người có thể lực tốt, tinh thần vững và có những kỹ năng thám hiểm nhất định bởi trong quá trình tham quan du lịch sẽ phải vận dụng nhiều kỹ năng như leo trèo, đu dây…
Chẳng hạn như lối vào cửa hang dốc đứng và trơn trượt, tạo thành từ những khối đá đã bị thời gian bào nhẵn, các nhà thám hiểm phải dùng hệ thống dây tời để đu “một mạch” 80m vào trong lòng hang tối đen. Lòng hang Sơn Đoòng có một bộ sưu tập bao gồm vô số những khối măng đá đủ hình thù kỳ quái. Có một tảng măng đá kích thước lớn, nằm gần lối cửa hang được đặt tên là “Chân Chó” vì trông rất giống với bàn chân của một chú chó. Một phần trần hang đã bị sập từ cách đây vài thế kỷ, vì vậy nước mưa và ánh sáng mặt trời có thể lọt vào dễ dàng, nhờ thế mà trong lòng hang có hẳn một khu vực khá rộng mọc um tùm cây cối, tạo thành một khu rừng nhỏ xanh mướt.
Ở đây, ngoài những loài côn trùng bé nhỏ còn có những đàn khỉ và đàn dơi sinh sống. Các nhà thám hiểm người Anh đã đặt tên cho khu rừng này là “Vườn Adam”. Ngoài ra, trong lòng hang ẩm ướt còn có những cánh đồng tảo được tạo thành từ những hồ nước lâu đời nằm rải rác. Những loài tảo cổ này chắc chắn sẽ là đề tài nghiên cứu thú vị cho các nhà cổ sinh vật học.
Huffington Post ví Sơn Đoòng như một giải độc đắc hay viên ngọc quý bất ngờ được tìm thấy. Nó không chỉ có ý nghĩa đối với riêng Việt Nam mà là một phát hiện quan trọng đối với những nhà địa chất, thám hiểm, sinh vật học… trên khắp thế giới. Trong hang Sơn Đoòng còn có những “viên ngọc trai” vô cùng quý hiếm. Rất ít hang động có những “viên ngọc trai” dạng này. Phải mất hàng trăm năm, những giọt nước nhỏ rơi xuống mới tạo thành những viên ngọc như vậy.
Từng tinh thể canxi nhỏ xíu chứa đựng trong mỗi giọt nước nhỏ rơi xuống, lắng đọng lại, kết dính lại với nhau, khô dần và tạo thành những “viên ngọc” màu cát như thế này. Ngoài ra, một số nhà khoa học từng có dịp tới làm việc tại hang Sơn Đoòng cũng nhận định rằng nơi đây có những loài thực vật chưa từng được biết tới, đặc biệt ở khu vực xung quanh chân thác nằm trong hang.