Những ngày hè có dịp ghé thăm gành Đèn (xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, Phú Yên) – địa danh còn mới mẻ trong sổ tay dân du lịch bụi – bạn sẽ có thêm nhiều điều thú vị để khám phá.
Do vẫn còn rất ít người biết, chưa có dịch vụ phục vụ du lịch nên gành Đèn vẫn còn
giữ nét hoang sơ của tự nhiên – Ảnh: PHƯỚC TUẦN
Từ thành phố Tuy Hòa, chúng tôi dong xe về thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An) rồi rẽ vào con đường nhựa nối quốc lộ 1 với danh thắng quốc gia gành Đá Đĩa ở xã An Ninh Đông. Còn cách gành Đá Đĩa chừng 700m, rẽ trái theo một con đường nhỏ là đi về hướng ngọn hải đăng gành Đèn.
Vẻ đẹp của thiên nhiên
Con đường vào hải đăng gành Đèn chỉ đủ để xe máy đi. Nằm dọc theo bờ biển, khu vực gành Đèn dài gần 1km gồm những tảng đá sắp xếp, chen chồng lên nhau một cách ngẫu nhiên tạo ra bức tranh tuyệt đẹp.
Trên những tảng đá nhiều hình dáng và màu sắc độc đáo có ngọn hải đăng hai màu đỏ – trắng nhô cao in bóng trên nền trời xanh, làm nhiệm vụ báo hiệu cho tàu thuyền ngoài khơi biết đường ra vào cửa vịnh Xuân Đài.
Theo một ngư dân, chỉ nằm cách gành Đá Đĩa khoảng 15 phút đi bộ nhưng du khách ít ghé thăm gành Đèn do chỉ “biết tiếng” gành Đá Đĩa. Nhưng chính vì thế nơi đây vẫn còn nguyên vẻ đẹp phóng khoáng và hoang sơ của đá.
Vẻ đẹp của đá và nước ở gành Đèn – Ảnh: PHƯỚC TUẦN
Trong 79 ngọn hải đăng của Việt Nam, hải đăng Gành Đèn có kiến trúc và lịch sử không nổi bật nhưng vẫn mang một giá trị, nhiệm vụ riêng của vùng biển vịnh Xuân Đài.
Ngọn hải đăng cao 22m so với mặt nước biển. Cứ năm giây đèn xoay một vòng, phát ra nguồn sáng để tàu thuyền ngoài khơi có thể nhận được trong cự ly 17 hải lý.
Từ đây có thể nhìn bao quát cả một vùng mênh mông biển xanh phía Đông và những đảo, những gành lớn nhỏ lô nhô phía Nam cửa vịnh Xuân Đài.
Hiện đường vào gành Đèn đã được đổ bêtông nên đi lại thuận tiện. Xung quanh nhà nghỉ của nhân viên bảo vệ hải đăng, cây xanh được trồng từ nhiều năm nay đã tỏa bóng rợp mát.
Điểm đến mới của dân “phượt”
Ngày trước gành này có tên gành Đá Đen, nhưng từ khi Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải 2 xây ngọn hải đăng, ngư dân quen gọi dần thành tên mới: gành Đèn. Từ trong bờ nhìn ra, những gành đá nhẵn thín cao thấp, lớn nhỏ xen kẽ nhau. Sóng len lỏi vào những hốc đá tung bọt trắng xóa.
Dưới các gộp đá, giữa lớp rong tảo dập dờn, những đàn cá nhỏ nhẹ nhàng bơi lội. Đây cũng là nơi trú chân lý tưởng cho du khách trong cả những ngày nắng lẫn mưa khi đến du lịch Phú Yên.
Đường lên ngọn hải đăng gành Đèn – Ảnh: PHƯỚC TUẦN
Hải đăng gành Đèn như mọc lên trên đá – Ảnh: PHƯỚC TUẦN
Ở khu vực gành Đèn có thể nhìn thấy những chiếc thuyền đánh cá đang đậu giữa vùng biển trong xanh. Chiều chiều, những ngư dân trẻ tuổi lại chèo thuyền thúng từ bờ ra thuyền để bắt đầu một đêm câu tôm trên vịnh.
Khi chúng tôi đến, trên những tảng đá lớn, giữa gió biển mát rượi, những nhóm bạn trẻ, gia đình cùng quây quần nướng mực, cá vui vẻ ăn uống. Được thưởng thức đặc sản tươi ngon của biển ngay trên những hòn đá giữa đất trời xanh biếc quả không gì ngon bằng.
Đặc biệt, tại đây có nhiều tảng đá lớn, bằng phẳng thuận tiện cho các nhóm bạn trẻ đến vui chơi, cắm trại, câu cá vào những dịp cuối tuần.
Nằm cạnh gành Đá Đĩa, về lâu dài đây cũng là cơ hội thuận lợi để các nhóm du lịch bụi ghé thăm, nghỉ chân và lưu lại những bức ảnh kỷ niệm khi đến vùng biển này.
Gành Đèn cách gành Đá Đĩa chỉ khoảng 1km bờ biển. Từ TP Tuy Hòa (Phú Yên) du khách có thể đi bằng xe máy theo quốc lộ 1A đến thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An) rồi rẽ vào hướng gành Đá Đĩa với lộ trình khoảng 40km.
Hoặc có thể đi từ TP Tuy Hòa chạy dọc đường bờ biển, bọc đầm Ô Loan theo hướng về gành Đá Đĩa với độ dài 30km.
Ngoài việc ghé thăm gành Đèn, du khách có thể tham quan gánh Đá Đĩa, di tích danh thắng cấp quốc gia hoặc những chuồng bò, hàng rào của người dân ở xã An Ninh Đông (Tuy Hòa) được làm từ các tảng đá chất chồng lên nhau rất đặc biệt, thú vị.
Bạn cũng đừng quên bỏ qua nhà thờ Mằng Lăng cổ kính ở ngay ngã rẽ vào gành Đá Đĩa gần ngã ba Chí Thạnh.